Kết cục Ngao_Bái

Ngao Bái ngạo mạn khinh thường Hoàng đế trẻ tuổi, thường cáo bệnh ốm không vào triều, khiến Khang Hi phải đến tận nhà thăm hỏi.

Một lần, Khang Hi Đế cùng thị vệ Hòa Thác tới thăm, thấy Ngao Bái không hề ốm yếu. Hòa Thác tới giường Ngao Bái xem, phát hiện ra dưới đệm có con dao. Ngao Bái rất lo lắng nhưng Khang Hi lại không tỏ thái độ gì, cho rằng việc mang dao bên người là tập quán bình thường của người Mãn. Do đó Ngao Bái yên tâm không bị Khang Hi Đế nghi ngờ. Lấy lý do thích đánh cờ, Khang Hi Đế triệu tập con Sách Ni là Sách Ngạch Đồ vào cung để bàn kế trừ Ngao Bái. Ông phong cho Ngao Bái làm ["Nhất đẳng công"] để Ngao Bái lơ là mất cảnh giác, mặt khác Khang Hi Đế còn lấy cớ thích học võ nghệ để tuyển chọn nhiều người trong hàng ngũ con em Thân vương làm Thị vệ cho Ngao Bái. Sau đó, Hoàng đế tiếp tục lấy cớ điều bớt những người vây cánh của Ngao Bái đi làm quan ở nơi xa.

Năm Khang Hi thứ 8 (1669), tháng 5, khi Ngao Bái vào cung yết kiến, Khang Hi Đế ra lệnh cho đội thị vệ thân tín bắt giữ. Khang Hi Đế kể tội và cách chức Ngao Bái[2]. Vì nể công lao từng cứu sống Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực, Khang Hi tha chết và giam Ngao Bái vào ngục, và lệnh bắt những người trong cùng vây cánh Ngao Bái. Không lâu sau khi bị bắt giữ, Ngao Bái lâm bệnh chết trong ngục. Cả gia tộc của Ngao Bái đều bị đi lưu đày ngoài quan ngoại.

Năm Khang Hi thứ 52 (1713), Khang Hi Đế vì nhìn nhận công tích của Ngao Bái, đem xá miễn, truy tặng ["Nhất đẳng Nam"; 一等男]. Thời Ung Chính, truy tặng huy hiệu ["Nhất đẳng Siêu Vũ công"; 一等超武公], cho con cháu về thế tập truyền đời. Đến năm Càn Long thứ 40 (1780), Càn Long Đế vì luận công và tội của Ngao Bái, từng vu hại công thần, do vậy tước bỏ "Nhất đẳng Siêu Vũ công", chỉ giữ lại tước Nam.